KHAI NGÔ.
Tôi có dịp gặp lại Paul Brady nhiều lần sau đó, mỗi lần tình bạn của chúng tôi lại nẩy nở thân thiết hơn . Paul luôn luôn nhấn mạnh đến sự thực hành và khuyên tôi nên tránh con đường nghiên cứu một cách từ chương :
- Tôi đã phung phí gần mười năm trời làm chuyện vô ích này nên không muốn thấy ai đi vào con đường này nữa . Đó cũng là lý do tôi không còn thích viết sách nữa, tôi muốn quên đi tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra . Chân lý không phải để mang ra nói đi nói lại mà phải sống theo đó thì mới có lợi ích . Anh không nên chạy theo những lý thuyết viễn vông mà hãy đặt câu hỏi xem chân lý đó có giúp gì cho mình không và nếu được thì hãy sống theo nó .
- Làm sao một người đang đi trên con đường trí thức , từ chương như ông lại có thể thay đổi như vậy được ?
- Là một học giả , tôi chỉ biết nói về lý thuyết chứ chưa hề có kinh nghiệm tâm linh . Dĩ nhiên tôi ý thức việc này hơn ai hết nhưng kinh nghiệm này đâu phải muốn mà được ? Việc nghiên cứu của tôi chỉ đi đến một giai đoạn rồi bế tắc, người ta không thể đi xa hơn nữa nếu không có kinh nghiệm tâm linh . Do đó tôi chỉ biết lập lại những lý thuyết khô khan và quanh quẩn trong phạm trù trí thức rồi rơi vào cái bẫy của việc sử dụng các "Danh Từ" .
Khi không thể diễn tả các kinh nghiệm thực sự, người ta bắt đầu tưởng tượng, phóng chiếu các sự kiện này lên bằng các danh từ thật kêu . Lúc đầu tôi cón lúng túng vụng về nhưng về sau chính những danh từ, hình ảnh của sự tưởng tượng này đã ám ảnh tôi .
Nói một cách khác, tôi đã tự lừa dối chính mình bằng các ảo ảnh đó lúc nào mà không hay . Về sau, ý thức được điều này tôi đã qua Nhật tìm đến một vị thiền sư nổi tiếng để nhờ người giúp cho . Vị thiền sư nói rằng chỉ khi nào tôi có thể quên tất cả những sách vở đã đọc thì mới có thể chỉ điểm cho tôi thêm được . Tóm lại những điều tôi học hỏi, nghiên cứu đều trở thành chướng ngại cho việc tu học của tôi .
Paul Brady ngưng lại rồi lắc đầu :
- Nếu anh có thể hiểu được sự xụp đổ của trí thức kinh khủng và ghê gớm như thế nào, tất cả những gì tôi tin tưởng và tự hào bỗng dưng trở nên vô giá trị . Tất cả những mốc điểm đều biến mất khiến tôi cảm thấy hụt hẫng, chới với và hoảng hốt gần như phát điên vì không biết phải làm gì . Tôi cầu xin vị thiền sư giúp tôi , vị này cũng tử tế chỉ cho tôi cách thiền định để chế ngự cái tâm . Nhưng sau mấy tháng liền tôi không sao định tâm được, các định nghĩa, danh từ, lý thuyết cứ nổi lên ám ảnh đầu óc đang hoang mang của tôi . Đến khi đó tôi mới thực sự kinh nghiệm sự vô ích của từ chương ... Sau một thời gian tập thiền không kết quả tôi đành trở về Âu Châu, trên đường về tôi ghé qua Ấn Độ .
- Phải chăng có điều gì đã xảy ra làm ông thay đổi ?
Paul Brady gật đầu :
- Phải, tôi đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma và cuộc đời tôi thay đổi từ đó ...
- Không lẽ ông ta có khả năng thay đổi người khác như vậy sao ?
Paul Brady xách nhận :
- Phải, khi tiếp xúc với một bậc "Thiện Tri Thức" mình có thể thay đổi được chứ .
- Nhưng ông có tin đức Đạt Lai Lạt Ma là một vị hóa thân như người Tây Tạng vẫn tin tưởng ?
- Điều đó tùy sự tin tưởng của mỗi người, Phật giáo không quan niệm về một quyền lực ngoại giới mà chú trọng đến sự toàn thiện của mỗi con người . Khi một người đã chuyển được tất cả những năng lương trong mình, kết tinh thành một tâm thức siêu đẳng hay tâm thức Bồ Đề ta có thể gọi đó là một vị Thánh hay một vị Đại Lạt Ma . Vì đã có nhiều người đạt đến trạng thái này nên ta có thể biết chắc rằng điều này có thể thực hiện được . Ngay như quả vị cao tột như Phật mà cũng đã có người, thái tử Tất Đạt Đa đạt đến thì ta phải biết chắc rằng con người có thể đạt đến những quả vị rất cao, có đủ năng lực giải phóng chính mình ra khỏi luân hồi sanh tử . Chính đức Phật đã nói "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành", một lời nói cao quý tràn đầy hy vọng biết bao .
Danh từ "Đạt Lai Lạt Ma" có nhiều nghĩa, những mật nghĩa của nó là một người đã vượt qua cái bản ngã của mình . Khi một người không còn bị giam hãm trong cái bản ngã nhỏ bé nữa thì người đó là tất cả, người đó trở nên một biển tình thương rộng lớn . Danh từ "Đạt Lai" là phiên âm Mông Cổ của tiếng Trung Hoa "Đại Hải" hay biển lớn .
- Ông đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma trong trường hợp nào ?
- Từ trước đến nay các kinh điển Tây Tạng rất ít được truyền ra bên ngoài . Khi người Tây Tạng tỵ nạn vào Ấn Độ họ đã mang theo rất nhiều sách vở, kinh điển và cần phải thu xếp, sắp đặt theo thứ tự để kiểm kê trước khi thành lập một thư viện . Là một học giả thông thạo nhiều thứ tiếng, kể cả Tạng Ngữ nên tôi đâu bỏ qua cơ hội hiếm có này . Dĩ nhiên tôi đã tình nguyện giúp họ soạn thảo hồ sơ, sắp đặt và tổ chức một thư viện chính . Hôm đó đang cắm cúi ghi chép những tài liệu thì đức Đạt Lai Lạt Ma ở đâu bước vào, ngài im lặng nhìn tôi rất lâu nhưng tôi không hay biết cho đến khi một nhân viên làm việc lên tiếng giới thiệu tôi với ngài .
Đức Đạt Lai Lạt Ma từ tốn nói "ông làm việc như vậy đã đủ rồi, đừng nên tham lam nữa ." Câu nói thoáng nghe không có gì quan trọng nhưng không hiểu sao tôi thấy như có một cái gì rung động lạ thường . Tôi định lên tiếng hỏi thì ngài đã chỉ vào tờ giấy nháp mà trong đó tôi đã ghi chép các chi tiết bằng tốc ký và nói "Tờ giấy nháp đầy chữ đó không dùng được, phải biết lựa lọc ra thì mới có ích lợi . " Lời nói dường như vô tình đó tự nhiên có một sức mạnh vang dội vào đầu tôi . Trong một thoáng giây tất cả những thắc mắc từ trước của tôi bỗng sáng ra . Tôi đứng sững mồ hôi toát đầm đìa cho đến khi ngài bước ra khỏi phòng lúc nào cũng không hay .
- Rồi sao nữa ?
- Anh không hiểu ư ? Trọn cuộc đời tôi đã đọc hàng ngàn cuốn sách ví như tờ giấy nháp đầy chữ, tôi chưa biết lựa lọc trong đó ra những gì cần thiết để áp dụng cho mình . Cái kiến thức mà tôi sở hữu lúc đó chỉ như một tờ giấy nháp "đầy chữ ." Vì quá nhiều kiến thức nên nó ám ảnh tôi ngày cũng như đêm . Khi xưa vị thiền sư người Nhật đã chẳng nói rằng chỉ khi nào quên hết chữ nghĩa thì tôi mới tiến bộ được kia mà .
Tôi đã suy gẫm về vấn đề này rất lâu nhưng chưa đạt đến kết quả nào . Lời nói của đức Đạt Lai Lạt Ma là một tia sét phá vỡ tung tất cả thắc mắc của tôi, nó có một oai lực rất mạnh làm tôi chấn động toàn thân như bừng tỉnh . Suốt đêm hôm đó tôi không ngũ được vì quá xúc động, thân hình của tôi nóng ran như lên cơn sốt . Hôm sau tôi xin yết kiến ngài, lạ thay khi vừa gặp tôi ngài đã nói rằng bây giờ tôi có thể thiền định được rồi . Ngài chỉ cho tôi thêm vài khẩu quyết để bổ túc vào phương pháp thiền tôi đã học ở Nhật . Từ trước tôi không thể định tâm được mà sao lần này tôi có thể làm được dễ dàng, các danh từ, quan niệm, từ chương bỗng biến đâu mất hết . Càng thiền định về các chân lý khẩu truyền này tôi càng quên đi những gì thuộc về sách vở, tri thức .
Sau đó tôi đã tu nhập thất để suy gẫm về những điều đã học hỏi và càng suy gẫm tôi càng thấy cái gọi là trí thức chỉ đáng vứt đi không có một chút gì ích lợi cả .....
Trích "Hoa Sen Trên Đá" do Nguyên Phong dịch