Re: TÍNH CHẤT "STATE" TRONG CẤU TRÚC QUYỀN LỰC NƯỚC MỸ


Posted by FB ..76..220.245 on Oct 05, 2020 at 14:04:27:

In Reply to: TÍNH CHẤT "STATE" TRONG CẤU TRÚC QUYỀN LỰC NƯỚC MỸ posted by FB on Oct 05, 2020 at 13:49:56:

Ngày 3/11/2020 sắp tới đây, không chỉ có bầu cử TỔNG THỐNG mà còn bầu toàn bộ 435 Dân biểu Hạ viện khóa mới, bầu 33 Thượng nghị sĩ (1/3 số thượng nghị sĩ tại Thượng viện), bầu 13 Thống đốc (11 trong 50 Thống đốc tiểu bang + 2 Thống đốc lãnh thổ American Samoa, Puerto Rico). Chánh trường nước Mỹ sẽ biến động sâu rộng trong đợt bầu cử tháng 11 này!
NỀN TẢNG CỦA QUỐC HỘI LƯỠNG VIỆN MỸ
Là hài hòa giữa "nguyên tắc dân chủ bình đẳng" và "nguyên tắc dân chủ theo đa số".
* THƯỢNG VIỆN (Senate) được dựa trên nguyên tắc "DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG" giữa các tiểu bang (States), tiểu bang lớn không được quyền lấn át tiểu bang nhỏ.
Thành thử Hiến pháp Mỹ qui định cử tri của mỗi tiểu bang, bất luận lớn nhỏ, đều được quyền bầu ra 2 Thượng nghị sĩ (Senators) có mặt trong Thượng viện liên bang.
Cả thảy 50 tiểu bang, 2 senators x 50 states, có tổng cộng là 100 Thượng nghị sĩ trong Thượng viện nước Mỹ.
* HẠ VIỆN (House of Representatives) được dựa trên nguyên tắc "DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ". Bởi vì nếu chỉ có mỗi nguyên tắc "dân chủ bình đẳng" giữa các tiểu bang, nói nào ngay, những tiểu bang đông dân mà bị "cào bằng" với tiểu bang ít dân là không hợp lý.
Thành thử phải đi kèm với "dân chủ đa số": tiểu bang đông cử tri được quyền có số lượng Dân biểu (có mặt trong Hạ viện liên bang) nhiều hơn tiểu bang ít cử tri.
Tiểu bang California có nhiều Dân biểu nhứt (53), kế đó là tiểu bang Texas (36), những tiểu bang có số Dân biểu tối thiểu (1 Dân biểu) là Montana, North Dakota, South Dakota, Alaska...
Toàn nước Mỹ có cả thảy 435 Dân biểu trong Hạ Viện liên bang.
I/ TIÊU CHUẨN BẦU THƯỢNG NGHỊ SĨ, DÂN BIỂU LIÊN BANG
A) Nước Mỹ có một nền dân chủ chánh trị hết sức cởi mở:
- Chỉ cần có quốc tịch Mỹ (dĩ nhiên), tối thiểu là 7 năm (nếu muốn tranh cử làm Dân biểu liên bang, 25 tuổi trở lên) hoặc 9 năm (nếu tranh cử vào Thượng viện, 30 tuổi trở lên). Hoàn toàn không buộc phải sinh ra ở Mỹ (điều kiện "sinh ra ở Mỹ" chỉ áp dụng đối với những ai muốn tranh cử Tổng thống)!
- Ứng viên tự do chọn lựa đảng phái, hoặc độc lập không theo đảng nào ráo trọi: hết thảy đều bình đẳng về quyền ứng cử vào Thượng viện, Hạ viện.
Quan trọng là tài năng thuyết phục cử tri tới mức nào về "chương trình quốc kế dân sinh" để họ chịu bỏ phiếu bầu hay không (và, dĩ nhiên, phải có tài cán huy động tiền bạc tài trợ để bước vào đường đua tranh cử).
B) Hiến pháp Mỹ cho phép các Thượng nghị sĩ, Dân biểu trong lúc tại vị đều được hưởng đặc quyền "miễn trừ hình sự"! Tức là không bị bắt giữ trong hầu hết các tình huống - ngoại trừ phạm tội phản quốc (dĩ nhiên, phải tống giam rồi) và một số trọng tội được qui định hẳn hòi trong luật pháp.
Hiến pháp Mỹ đồng thời bảo đảm quyền tự do tranh luận tại Quốc hội lưỡng viện. Kể cả những phát biểu mang tính chất phỉ báng, nhục mạ thì... cũng không bị truy tố! Thành thử quí bạn vẫn thường đọc thấy, được xem qua video những phát biểu tại Hạ Viện, Thượng Viện kêu bằng là "đểu giả", "khốn nạn" hết sức. Nhưng, ngặt cái, Dân biểu & Thượng nghị sĩ được Hiến pháp bảo vệ, không bị đưa ra tòa vì lời lẽ nhục mạ, phỉ báng.
Biết vậy, đặng quí bạn đừng thắc mắc vì sao có một số Dân biểu, Thượng nghị sĩ cứ làm tới mà không bị bóp cái mồm thối lại. Thôi thì ... hãy thản nhiên coi diễn tuồng. Vậy đi.
Tuy nhiên, tại mỗi Viện cũng thường soạn ra một số quy định nhằm hạn chế hoặc có biện pháp chế tài đối với các Dân biểu, Thượng nghị sĩ vi phạm ("chế tài", chớ không truy tố; chế tài ra sao thì đó không thuộc chủ đề của bài viết này).
II/ BẦU CỬ HẠ VIỆN MỸ THÁNG 11/2020:
* Cả thảy nước Mỹ có 435 "khu vực Quốc hội" ("Congessional Districts": CD). Ở mỗi khu CD cử tri chỉ bầu ra 1 Dân biểu, tổng cộng là 435 Dân biểu sẽ có mặt trong Hạ viện liên bang.
Mỗi khu CD được phân bổ dựa trên dân số (tiến hành điều tra dân số mỗi 10 năm một lần). Theo đó, hiện nay mỗi khu CD có bình quân 710.000 người.
Tiểu bang Texas, do vậy, được phân bổ thành 36 khu CD; California có 53 khu CD; Pennsylvania có 18 khu CD; tiểu bang New York có 27 khu CD... Ở một vài tiểu bang ít dân, thậm chí ít hơn số bình quân (710.000 người/khu CD), thì vẫn được phép bầu ra 1 Dân biểu.
Tới đây, ắt quí bạn thấy rồi đó, mỗi Dân biểu (trong Hạ viện) chỉ do cử tri trong khu CD của họ bầu ra mà thôi! Nói cách khác, mỗi Dân biểu chỉ đại diện cho một cộng đồng nhỏ, thành thử nhiệm kỳ của họ khá ngắn (2 năm, rồi dứt, phải ứng cử trở lại).
Như Nancy Pelosi là Dân biểu chỉ đại diện cho nhúm cử tri (hơn 700,000 người thôi) thuộc khu CD số 12 nằm trong tiểu bang California (toàn tiểu bang này có 53 khu CD).
Mỗi Dân biểu chỉ do số lượng cử tri giới hạn (hơn 700 ngàn người) bầu ra. Nhưng do sự móc ngoéo đảng phái, tỉ như 232 Dân biểu trong đảng Dân chủ liên kết với nhau, lại tạo thành một quyền lực "đánh hùa", không thể coi thường được.
Như câu thành ngữ: trước "quần hồ" (tập thể sói cáo) thì "mãnh hổ" cũng mệt bở hơi tai lắm đa.
III/ BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN MỸ THÁNG 11/2020:
Ở tầm cao hơn, khó khăn hơn, ứng viên muốn trở thành Thượng nghị sĩ thì phải chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của cử tri TIỂU BANG (khác với Dân biểu Hạ viện chỉ do cử tri của mỗi khu vực CD bỏ phiếu mà thôi).
Thành thử nhiệm kỳ của Thượng nghị sĩ (senator) được dài hơn, là 6 năm.
Thượng viện hiện nay đang có 53 senators đảng Cộng hòa, 45 senators đảng Dân chủ, 2 senators độc lập phi đảng phái. Tổng cộng 100 senators.
Bầu cử vào Thượng viện được tiến hành "cuốn chiếu", cứ 2 năm bầu lại 1/3 số Thượng nghị sĩ mãn nhiệm kỳ (khác với Hạ viện, cứ 2 năm bầu toàn bộ, kêu bằng là "xóa bàn làm lại" hết ráo).
Năm nay, ngày 3 tháng 11, sẽ bỏ phiếu bầu 33 Thượng nghị sĩ.
* TÓM LẠI:
- Bầu Tổng thống: cử tri toàn nước Mỹ đi bỏ phiếu, tại 50 tiểu bang; kiểm phiếu theo từng tiểu bang, rồi "đúc kết" lại theo qui trình chấm điểm "electoral votes".
CHÚ Ý: Số phiếu cử tri phổ thông (popular votes) được KIỂM PHIẾU ĐỘC LẬP THEO TỪNG TIỂU BANG, sau đó được qui đổi thành số electoral votes dành cho người thắng cử tại tiểu bang.
- Bầu Thượng nghị sĩ: kỳ này chỉ bầu 33 vị, thành thử chỉ có cử tri của 33 tiểu bang (theo danh sách đính kèm: *) mới phải bận rộn bỏ phiếu chọn thượng nghị sĩ.
- Bầu toàn bộ Hạ viện: cử tri đi bầu tại 435 khu CD - chú ý: cử tri từng khu CD chỉ bỏ phiếu cho Dân biểu nào ứng cử tại khu CD đó mà thôi.
Bất luận bầu Tổng thống, bầu Thượng nghị sĩ, bầu Dân biểu ĐỀU DO LÁ PHIẾU CỦA NGƯỜI DÂN MỸ (Popular votes; riêng ở bầu cử Tổng thống thì có sự qui đổi "chấm điểm" electoral votes VẪN PHẢI DỰA TRÊN PHIẾU BẦU POPULAR VOTES) ./.
--------------------------------------------------------------------
(*) 33 tiểu bang sau: Alabama, Alaska, Arkansas, Colorado, Delaware, Georgia, Idaho, Illinois, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maine, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Mississippi, Montana, Nebraska, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, North Carolina, Oklahoma, Oregon, Rhode Island, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Virginia, West Virginia, và Wyoming.



Monitor only (poster can delete own posting with password "delete")
Password:   

Share your opinion!
________________________

Post A Followup

Name:       E-Mail:
Subject:
Comments:
 Mã đang dùng: 

VIETUNI [V1.618] viết bởi Trần Anh Tuấn, lấy từ website chính của Anh Tuấn


[ VSGardens Forum ]